Nhà sản xuất chip ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III. Đây là tín hiệu tích cực cho triển vọng của công ty. Tuy nhiên, với bối cảnh nhu cầu chip.
Không có công ty nào thể hiện sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) tốt hơn Nvidia (NVDA). Là công ty dẫn đầu thị trường trong thiết kế và bán lẻ chip AI cho trung tâm dữ liệu, Nvidia đã ghi nhận doanh thu và thu nhập tăng mạnh nhờ các doanh nghiệp đua nhau mua phần cứng của họ để xây dựng và huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn. Hãy cùng thảo luận về báo cáo thu nhập quý III tài chính của Nvidia và những hàm ý đối với tương lai của công ty.
Thu nhập quý III thành công rực rỡ
Thu nhập quý III của Nvidia đã nêu bật động lực hoạt động ấn tượng của công ty. Doanh thu tăng 206% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức kỷ lục 18,12 tỷ USD, nhờ đóng góp chính từ phân khúc kinh doanh trung tâm dữ liệu. Phân khúc này bán các bộ xử lý đồ họa tiên tiến như A100 và chip kế nhiệm H100, giúp doanh thu tăng 279% lên 14,51 tỷ USD.
Lợi nhuận ròng của Nvidia cũng tăng mạnh. Thu nhập ròng tăng gấp 12 lần lên 9,2 tỷ USD nhờ tăng trưởng doanh thu phần cứng máy tính với tỷ suất lợi nhuận cao. Không đối mặt nhiều cạnh tranh, Nvidia ít chịu áp lực giảm giá để giữ thị phần 80% trong không gian chip AI.
Nguồn hình ảnh: Motley Fool
Nvidia có thể duy trì sức mạnh thị trường nhờ liên tục đổi mới công nghệ. Tháng 11 vừa qua, công ty đã ra mắt chip HGX H200 mới, được thiết kế để tăng tốc tính toán AI.
Công ty cũng chứng kiến sự phục hồi ấn tượng trong phân khúc gaming. Doanh thu của phân khúc này tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2,86 tỷ USD. Kết quả cho thấy thị trường tiêu dùng có thể đã bắt đầu phục hồi sau những thách thức vĩ mô như lạm phát và lãi suất cao. Điều này hàm ý sẽ có nhiều tăng trưởng hơn nữa trong tương lai đối với phân khúc này.
Không cần lo lắng về cạnh tranh
Hoạt động kinh doanh chip AI khổng lồ của Nvidia chắc chắn không thoát khỏi sự chú ý của các đối thủ cạnh tranh. Các công ty như AMD, Amazon và thậm chí cả Tesla đều đang phát triển chip trung tâm dữ liệu riêng để tạo ra nguồn doanh thu mới hoặc giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp phần cứng thứ ba trong việc đào tạo AI. Trong số đó, AMD có thể là đối thủ lớn nhất của Nvidia do họ dự kiến sẽ đưa sản phẩm chip AI ra thị trường thay vì chỉ sử dụng nội bộ như trước đây.
Năm nay, AMD đã phát hành chip AI M1300 cạnh tranh với chip H100 của Nvidia trong đào tạo mô hình AI. Mặc dù sản phẩm mới này sẽ tạo sức ép cạnh tranh, Nvidia vẫn giữ vị trí dẫn đầu nhờ chu kỳ cập nhật nhanh hơn.
Trong khi AMD dự kiến tăng sản lượng M1300 vào quý IV/2023 thì Nvidia đã sản xuất đầy đủ H100, với 500.000 chip dự kiến xuất xưởng trong năm nay và tăng lên 1,5-2 triệu vào 2024. Thông qua cách tiếp cận thị trường quy mô lớn với tốc độ nhanh, Nvidia có thể duy trì vị thế dẫn đầu về mặt kỹ thuật, đảm bảo sức mạnh định giá và tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
Định giá vẫn còn dư địa tăng trưởng
Bất chấp kết quả ấn tượng, cổ phiếu Nvidia thực sự đã giảm khoảng 3% trong phiên giao dịch sau khi công ty báo cáo thu nhập. Theo Bloomberg, sụt giảm này liên quan nhiều đến định giá quá cao, khiến một số nhà phân tích cho rằng cổ phiếu đã được định giá hoàn hảo. Tuy nhiên, tình hình phức tạp hơn vẻ bề ngoài.
Đúng là với tỷ lệ giá trên doanh thu (P/S) 38 lần, Nvidia đắt hơn đáng kể so với mức trung bình chỉ 2,5 lần của S&P 500. Nhưng điều đó chỉ mới là một phần của câu chuyện.
Tỷ lệ P/S là thước đo so sánh vốn hóa thị trường hiện tại với doanh thu 12 tháng gần nhất. Đối với một công ty tăng trưởng nhanh như Nvidia, số liệu này không phản ánh chính xác tốc độ tăng trưởng hay tỷ suất lợi nhuận ròng cao bất thường (51% trong quý III).
Xét tổng thể, hệ số giá trên thu nhập (P/E) dự phóng là cách định giá tốt hơn cho Nvidia vì nó dùng thu nhập ròng dự kiến tương lai. Với mức P/E dự phóng 32 lần (so với mức trung bình thị trường 25 lần), cổ phiếu Nvidia vẫn có định giá hợp lý nếu xem xét tốc độ tăng trưởng vượt trội và tiềm năng thống trị thị trường AI. Nhà đầu tư vẫn có cơ hội đặt cược vào thành công dài hạn của cổ phiếu công nghệ này.