Bảng cân đối kế toán của FED là công cụ quan trọng giúp theo dõi và đánh giá các hoạt động tài chính của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Nó có ghi chi tiết các tài sản và khoản nợ phục vụ cho mục tiêu của FED và các chính sách tiền tệ. Vậy bảng cân đối kế toán FED có nội dung gì? Vai trò và ý nghĩa của bảng thống kế này là gì? Hãy cùng The Brokers tìm hiểu ở dưới đây nhé!
1. Bảng cân đối kế toán FED là gì?
Bảng cân đối kế toán FED - The Federal Reserve’s balance sheet là báo cáo tài chính của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, cung cấp thông tin chi tiết về tất cả các loại tài sản và khoản nợ phải thanh toán của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ.
Trên thực tế, mọi quyết định của FED đều có khả năng ảnh hưởng nhất định đến thị trường tài chính. Song, Bảng cân đối kế toán của FED lại chứa rất nhiều thông tin về quy mô và phạm vi hoạt động của tổ chức này. Chính vì vậy, việc dành ra nhiều thời gian để nghiên cứu bảng này sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các quyết định của FED và chính sách tiền tệ. Qua đó đánh giá xu hướng của thị trường sắp tới.
Trong những năm gần đây, việc triển khai một số cơ sở cho vay mới để giúp FED giải quyết khủng hoảng tài chính đã làm tăng tính phức tạp của Bảng cân đối kế toán. Mô hình chung nó đã khiến công chúng chú ý hơn tới công cụ này
Bảng cân đối kế toán của FED được công bố mỗi tuần. Thời gian công bố thường rơi vào khoảng 4:30 chiều Thứ Năm hàng tuần theo giờ Mỹ.
Tìm hiểu về Bảng cân đối kế toán FED.
2. Nội dung của bảng cân đối kế toán FED
Bảng cân đối kế toán FED là một bảng thống kê lại tình hình tài chính của FED. Trong đó, nó sẽ ghi chi tiết về 2 phần. Bao gồm một phần là các tài sản thuộc sở hữu của FED, phần còn lại là các khoản nợ và cam kết thanh toán của FED.
a. Tài sản
Trên bảng cân đối kế toán của FED, phần tài sản sẽ bao gồm tất cả các sản phẩm tài chính mà FED đã mua vào và các khoản vay đối với ngân hàng thương mại. Song, do nguồn cung không giới hạn về đồng USD nên bảng cân đối kế toán này sẽ chỉ giới hạn về một số lượng tài sản nhất định mà FED nắm giữ và không bao gồm các khoản tiền mặt.
Một số loại tài sản mà FED nắm giữ bao gồm: Trái phiếu kho bạc; Chứng khoán cho đại lý vay theo cơ sở cho vay qua đêm; Chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp; Các khoản cho vay chiết khấu; Ngoại tệ liên quan đến các thỏa thuận tiền tệ;..... Trong đó, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp và chứng khoán kho bạc là 2 loại tài sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Bảng cân đối kế toán FED.
- Chứng khoán kho bạc: Đây là loại tài sản chiếm phần lớn nhất trong Bảng cân đối kế toán FED. Nó bao gồm kỳ phiếu và trái phiếu kho bạc. Theo thống kê tính đến ngày 19/04/2023, chứng khoán kho bạc chiếm đến 5,265,070 triệu USD trên tổng 8,643,408 triệu USD tài sản của FED.
- Chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp: Đây là loại chứng khoán cho phép người mua có được thu nhập từ các khoản vay thế chấp. Theo đó, trong bảng thống kê ngày 19/04/2023, số chứng khoán này đang chiếm đến 2,593,042 triệu USD trên tổng số tài sản của FED.
Tài sản của FED không bao gồm nguồn cung không giới hạn về tiền mặt.
b. Nợ phải trả
Danh sách nợ phải trả của FED sẽ bao gồm 3 mục chính là Tiền tệ lưu thông, Các thỏa thuận mua đảo ngược và Các khoản tiền gửi được lưu ký. Chi tiết như sau:
- Tiền tệ trong lưu thông bao gồm cả tiền đang được người dân sở hữu và các khoản tiền đang được lưu thông trên thị trường Hoa Kỳ đều là nợ phải trả của FED. Theo thống kê ngày 19/04/2023 trong Bảng cân đối kế toán của FED, khoản này chiếm đến 2,323,062 triệu USD trong tổng 8,643,408 triệu USD nợ phải trả.
- Thỏa thuận mua lại đảo ngược - Repo ngược là các khoản vay của Kho Bạc đối với các đối tác thương mại và thường được dùng để giữ lãi suất quỹ liên bang trong phạm vi mục tiêu của FED. Trên Bảng cân đối kế toán ngày 19/04/2023, tổng giá trị của thỏa thuận mua lại đảo ngược đang là 2,666,343 triệu USD.
- Khoản tiền gửi lưu ký, đây là các khoản nợ của Kho bạc Hoa Kỳ và các tổ chức khác được nắm giữ bởi Ngân hàng Dự trữ Liên bang. Trên Bảng cân đối kế toán ngày 19/04/2023, khoản này đang chiếm 3,636,015 triệu USD trên tổng nợ.
Các khoản nợ được thống kê trên bảng cân đối kế toán FED.
3. Các thông tin trong bảng phát hành thống kê H.4.1
Bảng phát hành thống kê H.4.1 có tất cả 12 bảng, nó có thống kê chi tiết về rất nhiều thông tin quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang. Tuy nhiên, không phải tất cả các bảng này đều chứa thông tin liên quan đến thị trường tài chính. Vậy cụ thể hơn, dưới đây là 3 bảng cung cấp những dữ kiện đáng quan tâm và được tập trung phân tích nhiều nhất, bao gồm Bảng 1, Bảng 1.A và Bảng 5.
Bảng 1 - “Các yếu tố ảnh hưởng đến số dư dự trữ của các tổ chức lưu ký”
Bảng 1 của bản phát hành H.4.1 bao gồm hai trang và có thống kê chi tiết về các yếu tố làm thay đổi số dư dự trữ và cấp độ về số dư dự trữ FED. Đây là số tiền mà các tổ chức giữ tại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ để đáp ứng yêu cầu dự trữ bắt buộc. Bảng 1 không phải là Bảng cân đối kế toán, nhưng các thành phần được thống kê tại đây chính là những hạng mục thành phần quan trọng nhất có trong Bảng cân đối kế toán.
Các dữ liệu chi tiết về số dư dự trữ và cấp độ dự trữ được công bố tại Bảng 1 được coi là thông tin quan trọng. Nó giúp xác định mức độ tác động của thị trường mở lên Bảng cân đối kế toán và nền kinh tế Hoa Kỳ. Bởi, các yêu cầu dự trữ bắt buộc là công cụ quan trọng giúp điều chỉnh các chính sách tiền tệ.
Ở thời điểm hiện tại, bảng 1 là thông tin đáng được quan tâm nhất. Nó trình bày chi tiết về các tài sản FED nắm giữ, đồng thời đính kèm thời gian đáo hạn của những tài sản này. Dựa trên những số liệu này, nhà phân tích có khả năng dự đoán xu hướng biến động của Bảng cân đối kế toán khi FED đưa ra các quyết định vào mỗi kỳ.
Bảng 1 trên bảng phát hành H.4.1 của FED.
Bảng 1A - “Mục ghi nhớ”
Bảng 1A chỉ trình bày các nội dung không ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và nợ phải trả của FED, nhưng mặt khác, nó lại phản ánh trực tiếp vai trò của FED đối với nền kinh tế.
Thông thường, việc phân tích dữ liệu Bảng 1A sẽ phục vụ mục đích chính là đánh giá nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các sản phẩm chứng khoán Hoa Kỳ và trái phiếu kho bạc. Đây là thông tin quan trọng giúp xác định các xu hướng biến động của thị trường chứng khoán.
Song, Bảng 1.A cũng trình bày thông tin về chứng khoán được FED cho vay. Đây là một phần quan trọng trong hoạt động thị trường mở của FED. Theo đó, việc FED cho vay các sản phẩm từ danh mục chứng khoán Kho bạc và chứng khoán nợ sẽ giúp thúc đẩy việc giao dịch hiệu quả và gia tăng tính thanh khoản của thị trường.
Bảng 1.A trên bảng phát hành H.4.1 của FED.
Bảng 5 - Bảng cân đối kế toán FED
Với “Tuyên bố hợp nhất về tình trạng của tất cả các Ngân hàng dự trữ liên bang”, bảng 5 có thể hiểu đơn giản chính là Bảng cân đối kế toán FED.
Trong đó, trang đầu tiên của bảng 5 sẽ trình bày về số tài sản của FED, đây là các loại tài sản đã được liệt kê song song từ bảng 1. Bên cạnh đó, trang thứ 2 sẽ trình bày về các khoản nợ phải trả của Cụ Dự trữ Liên bang, trong đó có bao gồm các thống kê chi tiết về số tiền tệ lưu thông, số thỏa thuận mua đảo ngược và cả số tiền gửi lưu ký,...
Đây đều là các số liệu quan trọng giúp nhà phân tích đánh giá chi tiết về tình trạng của nền kinh tế Hoa Kỳ. Qua đó, giúp họ hiểu rõ hơn về các quyết định của FED trong kỳ họp tới.
Bảng cân đối kế toán của FED được thống kê tại bảng 5.
4. Bảng cân đối kế toán FED quan trọng như thế nào
Như bạn đã biết, FED là một tổ chức quyền lực có tầm ảnh hướng lớn đến nền kinh tế Hoa Kỳ và tình trạng kinh tế chung toàn cầu. Trong đó, bảng cân đối kế toán là một trong những bảng thống kê quan trọng giúp thể hiện nhiều thông tin và hành động của FED. Cụ thể như:
- Định hướng chính sách: Bảng cân đối kế toán của FED bổ sung nhiều thông tin quan trọng trong chính sách tiền tệ khu vực. Nó giúp xác định biến động của các khoản tài sản và nợ, quản lý lãi suất và điều chỉnh nền kinh tế. Dựa vào những thông tin này, bản thân FED sẽ có thể đánh giá và đưa ra hướng đi chính xác hơn trong các kỳ họp tới.
- Đo lường sự ổn định của nền kinh tế: Bảng cân đối kế toán FED cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính của tổ chức. Qua đó, đánh giá sự ổn định và khả năng làm việc của FED. Trong trường hợp các số liệu được đánh giá tích cực, nó sẽ giúp tăng sự ổn định của hệ thống tài chính.
- Đo lường tác động kinh tế: Bảng cân đối kế toán có phản ánh mức độ tác động kinh tế của các chính sách FED. Thông qua việc theo dõi dữ liệu tài sản và nợ, nhà phân tích sẽ có thêm thông tin và đánh giá được sự hiệu quả của các biện pháp kích thích hay điều chỉnh kinh tế.
- Dự báo xu hướng kinh tế: Bảng cân đối kế toán của FED có cung cấp dấu hiệu và các thông tin để dự báo xu hướng kinh tế. Bằng việc phân tích các biến động tài sản và nợ phải trả, nhà phân tích có thể dễ dàng xác định các xu hướng này.
Trên đây là tổng hợp các thông tin giải thích về Bảng cân đối kế toán FED của The Brokers. Như bạn đã thấy, Bảng cân đối kế toán cũng tương tự như một báo cáo tài chính công khai của FED. Do đó, bằng cách theo dõi và phân tích các dữ liệu này, nhà đầu tư có thể nhận được nhiều lợi thế lớn để giao dịch hiệu quả hơn.