Bộ Tư pháp cáo buộc rằng dữ liệu người dùng Mỹ nhạy cảm được lưu trữ tại Trung Quốc
Tiktok tự tin rằng họ ‘sẽ thắng kiện’
Chính phủ Mỹ đã tiết lộ những lo ngại mới về an ninh quốc gia xung quanh TikTok và công ty mẹ ở Trung Quốc của nó ByteDance, khi công ty này đang phải đấu tranh với thách thức của một đạo luật mà sẽ buộc ứng dụng phải bị bán hoặc sẽ bị cấm.
Trong những tài liệu pháp lý được đệ trình trong thứ Sáu, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc một số dữ liệu người dùng Mỹ của Tiktok đã được lưu trữ tại Trung Quốc, và công ty này có thể thu thập dữ liệu bằng cách dựa trên quan điểm của người dùng về các vấn đề nhạy cảm, ví dụ như phá thai.
Theo dự luật mà Quốc hội đã thông qua hồi tháng Tư, ByteDance phải thoái vốn khỏi Tiktok chậm nhất vào tháng 01/2025 hoặc phải đối mặt với lệnh cấm toàn quốc. Động thái này diễn ra sau khi các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng nền tảng phổ biến này gây ra nhiều rủi ro an ninh quốc gia, một phần vì ByteDance có thể bị buộc phải chia sẻ thông tin cá nhân của 170 triệu cá nhân Mỹ đang sử dụng ứng dụng này với chính quyền Bắc Kinh theo luật pháp Trung Quốc.
Theo tuyên bố của ông Casey Blackburn, trợ lý giám đốc tình báo quốc gia thuộc Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, “ByteDance và TikTok Global đã có hành động đáp lại [chính phủ Trung Quốc] các yêu cầu về việc kiểm duyệt nội dung bên ngoài Trung Quốc.”
Vào tháng Năm, TikTok và ByteDance đã kiện chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn dự luật này, tuyên bố rằng dự luật này là trái hiến pháp và vi phạm Tu chính án Thứ nhất (First Amendment), vốn để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. TikTok đã phủ nhận chính phủ Trung Quốc có bất kỳ quyền kiểm soát nào đối với ứng dụng, hay/hoặc nó đã chuyển giao bất kỳ dữ liệu nào sang cho Bắc Kinh.
“Không có điều gì trong bản tóm tắt này thay đổi được sự thật rằng Hiến pháp đứng về phía chúng tôi,” đại diện phát ngôn của TikTok cho biết. “Chính phủ chưa bao giờ đưa ra bằng chứng cho các cáo buộc của mình, kể cả khi Quốc hội thông qua đạo luật vi hiến này.”
“Hôm nay, một lần nữa, chính phủ đang thực hiện những động thái chưa từng có này, trong khi trốn sau thông tin bí mật. Chúng tôi vẫn tự tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng trước tòa.”
Trong hồ sơ đệ trình của mình, Bộ Tư pháp bảo vệ tính hợp hiến của dự luật, lập luận rằng dự luật không vi phạm bất kỳ quy định nào của Tu chính án Thứ nhất bởi nó tập trung vào những mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Cơ quan này cũng bổ sung rằng Trung Quốc, ByteDance và TikTok Global không được bảo vệ bởi các quyền trong Tu chính án Thứ nhất, trong khi TikTok US “bằng chính sự thừa nhận của mình chỉ là một kênh dẫn cho các quyết định kiểm duyệt nội dung được thực hiện bởi các cơ quan Trung Quốc,” một quan chức cao cấp thuộc bộ tư pháp giải thích về bộ hồ sơ.
Quan chức của Bộ Tư pháp cũng cho biết “bất kỳ tác động nào” lên bài phát biểu của công ty sáng tạo đều là “vô tình” và họ không có quyền Tu chính án Thứ nhất để sử dụng trong trường hợp của TikTok.
Cơ quan này cáo buộc nhân viên của TikTok đã chia sẻ “một lượng lớn thông tin người dùng Mỹ bị hạn chế” để giải quyết các vấn đề liên quan đến vận hành trên Lark, một phần mềm được phát triển bởi ByteDance mà nhân viên ở cả TikTok và công ty mẹ của nó đều dùng để giao tiếp nội bộ. Cơ quan này cũng nói thêm rằng điều này dẫn đến thông tin nhạy cảm của Mỹ được lưu trữ tại các máy chủ ở Trung Quốc và nhân viên ByteDance ở đại lục có thể truy cập được.
Theo hồ sơ, vào năm 2022, TikTok đã tìm cách gỡ bỏ dữ liệu người dùng nhạy cảm của Mỹ đã được lưu trữ “không đúng cách” trên các kênh của Lark.
Bộ Tư pháp cũng tuyên bố rằng nhân viên của ByteDance và TikTok ở Mỹ và Trung Quốc có thể thu thập hàng loạt thông tin người dùng dựa trên nội dung, bao gồm: quan điểm về tôn giáo, việc phá thái hay kiểm soát súng. Một công cụ độc lập được cho là có thể kiểm duyệt nội dung dựa trên việc sử dụng những từ ngữ nhất định. Dù nó là “đối tượng của một số chính sách cụ thể chỉ được áp dụng cho người dùng ở Trung Quốc”, những chính sách khác có thể đã được áp lên cho người dùng khác vùng, vị quan chức này cho biết.
Theo hồ sơ, vào năm 2022, TikTok đã điều tra xem các chính sách này có được áp dụng tại Mỹ hay không.
TikTok đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào “Dự án Texas” (Project Texas), một kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp của hãng để bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua quan hệ đối tác với Oracle. Nhưng vị quan chức Bộ Tư pháp cho biết điều đó là “không đủ để thuyết phục bên hành pháp rằng họ đáng tin đủ để thực hiện thỏa thuận đó.”
Trong bản kiến nghị nhằm ngăn chặn dự luật, TikTok và ByteDance đã lập luận rằng viện thoái vốn “sẽ tách rời người dân Mỹ khỏi phần còn lại của cộng đồng thế giới trên một nền tảng chuyên về nội dung được chia sẻ - một kết quả, về cơ bản, trái ngược với cam kết của hiến pháp về cả quyền tự do ngôn luận và tự do cá nhân.”
TikTok đã kiện thành công chính phủ Mỹ vào năm 2020 khi Tổng thống thời đó là ông Donald Trump đã ban hành một lệnh hành pháp để cấm ứng dụng này, cho phép ByteDance có 90 ngày để thoái vốn khỏi các tài sản của công ty ở Mỹ và bất kỳ dữ liệu nào mà TikTok đã thu thập ở quốc gia này.
Số phận của TikTok vẫn còn phụ thuộc vào chính trường của nước Mỹ. ông Trump, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2024, gần đây đã nói rằng ông sẽ không cấm ứng dụng này nếu như ông quay trở lại Nhà Trắng, để duy trì được “sự cạnh tranh” trong một thị trường mà Meta của Mark Zuckerberg đang thống trị.