Nhắc đến IMF, có lẽ nhiều người sẽ biết đây là một tổ chức hoạt động tài chính quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, để hiểu chính xác IMF là gì thì không phải ai cũng tường tận. Do đó, ở bài viết sau, The Brokers sẽ hỗ trợ tìm hiểu cụ thể hơn về quỹ tiền tệ thế giới. Đồng thời giúp bạn giải đáp những vấn đề thắc mắc xoay quanh tổ chức này.
1. IMF là gì?
Trước hết, bạn cần phải biết IMF là tên viết tắt của tổ chức nào? IMF là từ viết tắt cho thuật ngữ tiếng Anh - International Monetary Fund. Trong tiếng Việt được hiểu là Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế là gì? Đây là một tổ chức quốc tế, chuyên trách trong hoạt động giám sát hệ thống tài chính toàn cầu. Thông qua cán cân thanh toán và tỷ giá hối đoái, IMF sẽ hỗ trợ tư vấn và giúp đỡ tài chính cho các quốc gia hội viên.
IMF - International Monetary Fund hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế
Tổ chức IMF là một phần quan trọng của thị trường tài chính thế giới nói chung. Bên cạnh đó, IMF cũng là một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và có quy mô với gần 190 quốc gia trên toàn thế giới.
2. Lịch sử hình thành, phát triển của IMF
- Tháng 7/1944, Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị Bretton Woods ở New Hampshire (Hoa Kỳ). Tại đây, 44 quốc gia đã cùng nhau xây dựng một khuôn khổ hợp tác kinh tế chung. Mục đích là tránh tình trạng cạnh tranh phá giá tiền tệ đã từng xảy ra ở thời điểm suy thoái kinh tế 1930.
- Ngày 27/12/1945, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF được thành lập. Tổ chức này có trách nhiệm kiểm soát việc chấp hành hiệp định về tiền tệ của các hội viên và góp phần thúc đẩy mậu dịch kinh tế quốc tế.
- Ngày 01/03/1947, IMF đi vào hoạt động.
- Ngày 15/11/1947, Liên hợp quốc tán thành biểu quyết về việc công nhận IMF là cơ quan chuyên môn của khối.
- Ngày 08/05/1947, khoản vay vốn đầu tiên được tổ chức IMF thông qua.
Tổ chức IMF ra đời từ Hội nghị Bretton Woods năm 1944
Nguồn quỹ của IMF được duy trì nhờ vào hạn ngạch phí hội viên. Tùy vào quy mô nền kinh tế mà mỗi quốc gia hội viên sẽ có mức đóng góp hạn ngạch khác nhau. Bên cạnh đó, quỹ tiền tệ thế giới cũng quy định rõ ràng về hạn mức cho vay.
IMF có quá trình phát triển dựa theo sự chuyển biến nền kinh tế của hệ thống tiền tệ toàn cầu. Tổ chức xác định hai hướng trọng tâm là ổn định tỷ giá hối đoái và chống các biện pháp hạn chế - phân biệt đối xử.
Hiện nay, IMF đã có 187 quốc gia hội viên ở khắp các châu lục. Với trụ sở chính đặt tại Washington, D.C (Hoa Kỳ). Việt Nam chính thức kế thừa vị trí hội viên kể từ năm 1976.
3. Cơ cấu tổ chức của IMF là gì?
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF được tổ chức gồm những bộ phận như sau:
- Hội đồng Thống đốc: Đây là cơ quan lãnh đạo tối cao của quỹ. Mỗi quốc gia hội viên sẽ cử 1 thống đốc chính thức và 1 thống đốc dự khuyết. Vị trí thống đốc chính thức thường tương ứng là Bộ trưởng Tài chính / Thống đốc Ngân hàng Trung ương của quốc gia đó.
- Hội đồng Giám đốc điều hành: Đây là cơ quan quản lý thường trực, chịu trách nhiệm hoạt động thường ngày của quỹ. Cơ cấu hội đồng gồm 25 thành viên. Vị trí Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch IMF sẽ do các thành viên bầu ra. Hiện nay, vị trí này được đảm nhiệm bởi nhà kinh tế học người Bulgaria - Bà Kristalina Ivanova Georgieva-Kinova.
- Các ủy ban: Một số ủy ban liên quan như Ủy ban Phát triển, Ủy ban Tiền tệ và Tài chính
Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch IMF - Bà Georgieva-Kinova
Về cơ cấu vận hành, IMF hoạt động theo 2 cơ cấu chính:
- Cơ cấu bộ máy hoạt động: Bao gồm chuyên viên và nhân viên hành chính. Đây đều là những viên chức dân sự quốc tế. Họ có chuyên môn chính về tài chính, kinh tế, ngân hàng, kế toán và pháp lý.
- Cơ cấu biểu quyết: Các nghị quyết sẽ được thông qua nếu nhận được từ 85% phiếu thuận bởi Hội đồng Thống đốc / Hội đồng Giám đốc điều hành. Mức độ đóng góp tài chính cho quỹ sẽ quyết định tỷ lệ bỏ phiếu của các quốc gia hội viên.
Một cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế
4. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) có vai trò gì?
IMF có vai trò quan trọng đối với hệ thống tài chính thế giới:
- Chịu trách nhiệm giám sát: Thu thập dữ liệu kinh tế, tiến hành phân tích và đánh giá. Điều này hỗ trợ việc giám sát tình hình tài chính của hội viên và thế giới. Đồng thời đưa ra các phương hướng phát triển tối ưu đối với kinh tế toàn cầu.
- Dự báo nền kinh tế thế giới: Thông qua trong báo cáo về Triển vọng kinh tế thế giới. Tổ chức hội thảo bàn luận về tác động của chính sách tiền tệ, thương mại, tài khóa đối với ổn định tài chính và triển vọng tăng trưởng.
- Hỗ trợ phát triển năng lực: Hỗ trợ các quốc gia hội viên trong vấn đề tư vấn và đào tạo. Tập trung phát triển nguồn nhân lực quản lý liên quan đến tài chính và tiền tệ. Khả năng về thu thập và xử lý dữ liệu. Những kiến thức liên quan đến kiểm tra và giám sát do quỹ áp dụng.
- Hỗ trợ về vấn đề tài chính: Áp dụng những khoản vay đối với các quốc gia có nền kinh tế khó khăn. Điều này nhằm giúp giảm thiểu khả năng gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. IMF cũng có các gói hỗ trợ với điều kiện vay gần như không lãi suất và thời gian hoàn vốn kéo dài.
- Trợ giúp về vấn đề kỹ thuật: Hỗ trợ kỹ thuật, các công cụ và quy trình trong quản lý, vận hành hệ thống tiền tệ. Tăng cường công nghệ và tính hiện đại hóa giám sát hoạt động tài chính cho các quốc gia là hội viên.
IMF giữ vai trò đặc biệt đối với hệ thống tài chính - tiền tệ toàn cầu
5. Kết luận
Với những thông tin trên, hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về những thắc mắc như quỹ tiền tệ là gì hay IMF là tổ chức gì? Có thể thấy, Cơ quan Tiền tệ Quốc tế IMF giữ vai trò đặc biệt đối với hệ thống tài chính kinh tế toàn cầu. Tổ chức này góp phần đảm bảo sự ổn định thị trường tiền tệ ở các quốc gia và phạm vi toàn thế giới. Đồng thời tăng cường tính bền vững trong hoạt động mậu dịch kinh tế quốc tế.